Theo khảo sát được thực hiện năm 2021, người Hong Kong có tuổi thọ cao nhất thế giới, là 82 tuổi đối với nam giới và 88 tuổi đối với phụ nữ. Thậm chí ở tuổi 60, 70, họ vẫn làm thêm ở các cửa hàng thay vì ở nhà nghỉ ngơi. Nhờ vậy họ được vận động, con người cũng năng động và khỏe khoắn hơn
Annabel Streets và Susan Saunders, những người đồng sáng lập dự án "Age Well" của Anh, chỉ ra rằng con người không thể chống lại sự lão hóa nên làm thế nào để có một tuổi già khỏe mạnh mới là điều quan trọng. Các nghiên cứu của hai tác giả tập trung vào việc làm thế nào biến 1/2 cuộc đời còn lại thành khoảng thời gian tốt nhất. "Nghỉ hưu có thể mang lại rất nhiều cơ hội để tìm ra mục đích, theo đuổi sở thích, đam mê và mục tiêu thể chất, những điều đã được chứng minh là giúp tăng tuổi thọ", tác giả nói.
Saunders chỉ ra, việc ngồi quá nhiều đang giết dần con người. Tổ chức Y tế Thế giới xếp "ít vận động" là một trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Lão hóa, tim mạch, suy giảm nhận thức, ung thư, loãng xương, kháng insulin, tất cả những điều đó đều có thể giảm đi bằng cách vận động. Vì vậy, đừng ngại cho mình tìm kiếm trải nghiệm mới, con người mới, phong cảnh mới, hương vị mới, niềm đam mê mới, ngôn ngữ mới và sở thích mới.
Jean Woo, 73 tuổi, Giám đốc Viện Lão hóa tại Hong Kong cũng khuyên bạn nên giữ cho mình một cuộc sống bận rộn bằng cách tiếp tục tham gia vào các hoạt động xã hội, dù đã ở tuổi trung tuần. Ông khẳng định, cơ thể chúng ta được thiết kế để đi bộ. Điều kỳ diệu của việc đi bộ là bạn không cần đến bộ dụng cụ đặc biệt nào và ai cũng có thể làm được, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ở mọi lứa tuổi. Đi bộ làm chậm tốc độ lão hóa. Các nghiên cứu cũng cho thấy những người đi bộ nhanh thường xuyên từ thời trẻ đến tuổi trung niên sẽ tích lũy thêm 16 năm tuổi thọ.
Các vấn đề về vận động, liên quan đến tuổi tác, là một điều dễ gặp trong thực tế. 30% người trên 70 tuổi gặp khó khăn khi leo cầu thang hoặc đứng dậy khỏi ghế. Điều này không chỉ khiến việc ngồi xuống, đứng lên trở nên khó khăn mà còn làm tăng nguy cơ té ngã cũng như bệnh mãn tính do tuổi tác. Sự suy giảm sức mạnh đẩy nhanh quá trình lão hóa và khiến con người phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống tương lai. Vì vậy, cần tăng sức mạnh bằng cách vận động: tập yoga hoặc các bài tập cơ bản như chống đẩy, ngồi xổm.
Để quá trình lão hóa thể chất được tối ưu, bạn cần vận động, tập luyện và ăn chế độ ăn uống thích hợp, là chế độ cung cấp đủ calo và protein, chứa ít hoặc không chứa thức ăn nhanh và giàu thực vật, cùng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau và trái cây. Ngoài ra, không nên hút thuốc, uống rượu.
Điều gì góp phần giúp lão hóa khỏe mạnh?
Viêm là nguyên nhân gốc rễ của nhiều bệnh mãn tính của lão hóa như sa sút trí tuệ, tiểu đường cũng như các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, ung thư và trầm cảm. Do đó, nên tránh thực phẩm chế biến quá kỹ và giữ lượng đường trong máu ổn định để làm giảm viêm.
Nhóm chuyên gia cũng chỉ ra, sự cô lập sẽ làm con người già đi. Tương tác xã hội tích cực có tác động tích cực đối với sức khỏe não bộ.
Nghiên cứu về não bộ cũng cho thấy sức khỏe đường ruột tốt sẽ hỗ trợ sức khỏe não bộ. Với một chế độ ăn đa dạng, giàu thực vật, đầy chất xơ, thực phẩm lên men, giấc ngủ chất lượng và tập thể dục tốt, bạn có thể có một sức khỏe tốt.
Nên ra ngoài vận động vào buổi sáng. Cần tập mỗi ngày để xây dựng và duy trì cơ bắp. Cơ bắp có liên quan đến việc cải thiện chức năng tế bào, giảm viêm, nhận thức tốt hơn và chậm mất xương hơn.
Thùy Linh (Theo SCMP